KỸ THUẬT MÔI TRƯỜNG – NGÀNH HỌC CỦA TƯƠNG LAI
1. Ngành Kỹ thuật môi trường đào tạo những gì?
- Ngành Kỹ thuật môi trường là ngành học chuyên sâu về các kỹ thuật và công nghệ nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm, thu hồi, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải thông qua các biện pháp sinh - lý - hóa học.
- Bên cạnh đó ngành Kỹ thuật môi trường còn đào tạo các kiến thức về quản lý môi trường, bao gồm các công cụ và biện pháp quản lý môi trường góp phần bảo vệ môi trường sống và phát triển bền vững kinh tế - xã hội quốc gia.
2. Tại sao chọn ngành Kỹ thuật môi trường?
- Ô nhiễm môi trường đang trở thành một trong những vấn đề mang tính chất toàn cầu, đang được sự quan tâm đặc biệt của tất cả các quốc gia và các tổ chức trên thế giới. Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững và nhiệm vụ cấp bách trên Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng để bảo vệ sự ổn định của trái đất và cuộc sống của con người.
- Nhờ những kiến thức về tài nguyên, sinh thái, địa chất, năng lượng, môi trường… mà con người sẽ có thể đạt được những hiểu biết quan trọng về thế giới mà chúng ta đang sống. Do đó nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực này ngày càng tăng cao vì các lý do môi trường như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.
- Để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng trên, cần thiết phải có lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao về kỹ thuật và quản lý môi trường, đặc biệt là đội ngũ kỹ sư môi trường trực tiếp và gián tiếp thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo dưỡng các công trình xử lý chất thải trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề của hệ thống kinh tế - xã hội.
Vì vậy ngành Kỹ thuật môi trường là ngành học của hiện tại và tương lai, là ngành học luôn có nhu cầu lao động cao và cần thiết trong xã hội.
3. Mục tiêu đào tạo của Ngành Kỹ thuật môi trường?
- Trang bị cho sinh viên các kiến thức lý thuyết và kỹ năng thực hành về công nghệ môi trường, kỹ thuật xử lý ô nhiễm, kỹ thuật tái chế chất thải, kỹ thuật và phương pháp đánh giá các tác động môi trường, phương pháp và công cụ quản lý môi trường.
- Trang bị cho sinh viên những kỹ năng thực hành nghề nghiệp cần thiết như khả năng thiết kế, thi công, bảo trì, vận hành công trình xử lý nước cấp, nước thải, khí thải, chất thải rắn và chất thải nguy hại, tiếng ồn; Khả năng nhận dạng, dự báo, phân tích, đánh giá và phát hiện những vấn đề môi trường đã và đang xảy ra; Khả năng tổ chức quản lý môi trường, quy hoạch môi trường, quan trắc môi trường, quản lý rủi ro và ứng phó với biến đổi khí hậu.
4. Học ngành Kỹ thuật Môi trường có gì thú vị?
- Là ngành học đề cập đến tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội. Do đó ngành học luôn được cập nhật các vấn đề thời sự nóng bỏng của Việt Nam và Thế giới liên quan đến tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
- Là ngành học liên tục được cập nhật các công nghệ hiện đại và toàn cầu trong xử lý ô nhiễm và bảo vệ tài nguyên.
- Là ngành học có tính chất toàn cầu và đa lĩnh vực, người học có cơ hội bước ra thế giới rộng lớn về khoa học kỹ thuật trên thế giới.
- Là ngành học mà người học có thể làm việc tốt cả ở các vị trí công việc liên quan đến kỹ thuật, công nghệ và quản lý, đáp ứng sở thích và năng lực chuyên sâu của từng người học.
- Là ngành học mà người học có thể tự hào được trực tiếp tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường và cuộc sống con người trên toàn cầu.
5. Các tố chất để đăng ký học ngành Kỹ thuật môi trường?
- Yêu thích thiên nhiên, có mong muốn đóng góp sức lực nhỏ bé của mình để bảo vệ sức khoẻ con người và giữ gìn môi trường sống trong lành.
- Yêu thích các phương pháp học tập thông qua các trải nghiệm thực tế và kỹ năng thực hành.
- Yêu thích sự di chuyển và sáng tạo không ngừng thông qua quá trình hội nhập tri thức trên thế giới và toàn cầu hóa.
- Có khả năng kết nối, nhanh nhạy, sáng tạo trong môi trường toàn cầu. Là thế hệ có khả năng ảnh hưởng đến thế giới với những mục đích cao cả và có ý nghĩa toàn cầu như bảo vệ môi trường, giảm thiểu biến đổi khí hậu.
6. Cơ hội việc làm của sinh viên ngành Kỹ thuật môi trường?
Tốt nghiệp ngành Kỹ thuật môi trường, người học sẽ có nhiều cơ hội việc làm tại các cơ quan, tổ chức, nhà máy, xí nghiệp. Cụ thể:
- Cán bộ quản lý nhà nước tại các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường ở trung ương và địa phương.
- Kỹ sư môi trường (thiết kế, thi công, vận hành, bảo dưỡng) tại các đơn vị tư vấn thiết kế trong nước và quốc tế về cấp thoát nước, xử lý nước thải, xử lý khí thải, xử lý chất thải rắn và nguy hại.
- Chuyên gia tư vấn trong các tổ chức, doanh nghiệp về đánh giá tác động môi trường, chuyển giao công nghệ, kinh doanh thiết bị môi trường.
- Cán bộ quản lý môi trường tại các nhà máy, xí nghiệp, dự án giao thông, dự án xây dựng.
- Giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề chuyên nghiệp và các viện nghiên cứu trong và ngoài nước.
- Cán bộ phát triển chương trình tại các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ và tổ chức quốc tế có hoạt động trong lĩnh vực môi trường.
7. Nhu cầu thị trường, xu hướng việc làm của ngành Kỹ thuật Môi trường?
- Hiện nay tất cả các bộ ban ngành trung ương và chính quyền từ cấp tỉnh thành đến quận huyện thị xã đều có cơ quan quản lý nhà nước về môi trường. Vì vậy luôn có nhu cầu việc làm tại các cơ quan này.
- Tất cả các nhà máy, xí nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế… đều có các công trình xử lý và quản lý chất thải. Đây là khu vực luôn có nhu cầu lao động thuộc lĩnh vực Kỹ thuật môi trường lớn nhất và liên tục tuyển dụng.
- Do nhu cầu lao động trong ngành Kỹ thuật môi trường tăng cao, dẫn đến nhu cầu đào tạo, nghiên cứu trong ngành Kỹ thuật môi trường cũng tăng cao và cần một lực lượng lớn lao động chất lượng cao về lĩnh vực này.
- Pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng chặt chẽ, bên cạnh các nguồn công việc nêu trên thì người học có thể phát triển các xu hướng việc làm khác liên quan đến hệ thống luật pháp, truyền thông, hiệp hội môi trường và bảo vệ môi trường.
8. Mức lương hiện nay của ngành Kỹ thuật môi trường?
Theo thống kê của các công ty tuyển dụng nhân sự hàng đầu Việt Nam trong năm 2020, mức lương của kỹ sư ngành Kỹ thuật môi trường như sau:
- Sinh viên mới ra trường: từ 6 ÷ 8 triệu VND/tháng;
- Kỹ sư có 2 ÷ 3 năm kinh nghiệm: từ 8 ÷ 12 triệu VND/tháng;
- Kỹ sư vận hành trên 3 năm kinh nghiệm: từ 8 ÷ 15 triệu VND/tháng;
- Kỹ sư có trên 3 năm kinh nghiệm và nhận vị trí quản lý môi trường các dự án giao thông, xây dựng: từ 15 ÷ 20 triệu VND/tháng;
- Kỹ sư có kinh nghiệm, sử dụng tiếng Anh thành thạo làm cho các tổ chức, công ty quốc tế: mức lương trên 1.000 USD/tháng.
9. Bằng cấp và hướng học cao hơn?
- Tốt nghiệp ngành Kỹ thuật môi trường, sinh viên sẽ được cấp bằng Cử nhân kỹ thuật môi trường (đối với quá trình đào tạo 4 năm) và được cấp bằng Kỹ sư kỹ thuật môi trường (đối với quá trình đào tạo 5 năm). Hiện nay 7 trường đại học kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam (trong đó có trường Đại học Giao thông vận tải đào tạo theo lộ trình này).
- Sinh viên tốt nghiệp được tiếp tục học sau đại học (trình độ đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ) đối với các ngành Kỹ thuật môi trường, Khoa học môi trường, Quản lý tài nguyên và môi trường, Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững.
- Tất các nước phát triển trên thế giới và khu vực đều có nhiều trường đại học lớn đào tạo ngành Kỹ thuật môi trường. Do đó có rất nhiều cơ hội tìm kiếm học bổng sau đại học để du học rất tới các quốc gia phát triển.
10. Học ngành Kỹ thuật Môi trường ở đâu?
Tại Việt Nam có rất nhiều trường đại học đào tạo ngành Kỹ thuật môi trường như Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Tp.HCM, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách Khoa Tp.HCM, Trường Đại học Xây Dựng, Trường Đại Học Kiến Trúc, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường tại Hà Nội và Tp.HCM, Trường Đại học Nông Lâm Tp.HCM, Trường Đại học Giao thông vận tải …
Sinh viên học ngành Kỹ thuật môi trường của Trường Đại học Giao thông vận tải ngoài việc có cơ hội nghề nghiệp và việc làm chung của ngành như nêu trên sẽ có thêm nhiều cơ hội nghề nghiệp chuyên sâu trong các lĩnh vực giao thông vận tải như làm việc tại các Ban quản lý xây dựng công trình (giao thông, xây dựng), các nhà máy cơ khí ô tô, cơ khí xây dựng, các nhà máy sản xuất lắp ráp điện điện tử…
Vì vậy lựa chọn học ngành Kỹ thuật môi trường tại Trường Đại học Giao thông vận tải là một sự đảm bảo cho nghề nghiệp và công việc của tương lai của người học.